1. Bệnh sởi là gì
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan mạnh có khả năng gây dịch do virus sởi gây nên. Sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em do các biến chứng viêm phổi, viêm não, tiêu chảy nặng và suy dinh dưỡng. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vắc xin sởi là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh sởi [1], [2].
2. Các biến chứng gặp phải khi mắc sởi
Mặc dù bệnh sởi có thể tự khỏi nhưng một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân mắc sởi gặp biến chứng vô cùng nặng nề. Virus sởi có thể xâm nhập vào các cơ quan gây viêm phổi kẽ thâm nhiễm tế bào khổng lồ, viêm thanh khí phế quản, viêm cơ tim, viêm não, viêm màng não cấp tính. Bên cạnh đó, việc mắc virus sởi còn tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, gây viêm phổi, viêm tai giữa, viêm dạ dày ruột,…Trong điều kiện dinh dưỡng và chăm sóc kém, virus sởi còn gây viêm loét hoại tử hàm mặt (cam tẩu mã), viêm loét giác mạc gây mù lòa, suy dinh dưỡng, lao tiến triển, tiêu chảy và nặng nhất là tử vong.

3. Dịch tễ học bệnh sởi
Hiện nay, bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng số ca mắc tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá nguy cao bùng phát dịch sởi tại Việt Nam là rất cao…[2]
Từ đầu năm 2025 đến tháng 3 năm nay, Việt Nam ghi nhận hơn 42000 trường hợp nghi sởi, 05 trường hợp tử vong, số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2024. Hầu hết các trường hợp mắc sởi là không tiêm chủng/chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh sởi hoặc chưa đến độ tuổi tiêm chủng vắc xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Bệnh sởi không chỉ làm gia tăng gánh nặng bệnh tật mà còn gây quá tải trong các cơ sở y tế [2].

4. Khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế về tiêm vắc xin phòng sởi
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo cần triển khai chiến dịch tiêm chủng tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao và rất cao và những nơi hiện có chùm ca sởi. Việc triển khai tiêm chiến dịch và tiêm bù tiêm vét cần được thực hiện khẩn trương để ngăn chặn dịch xảy ra, đặc biệt ở những nơi có có chùm ca bệnh không để do dịch lan rộng. Do đặc điểm dịch tễ phức tạp của bệnh sởi, bệnh khả năng lây lan nhanh, rộng và phụ thuộc nhiều vào tiêm chủng nên việc tiêm chủng cần triển khai càng sớm càng nhanh càng tốt [3].
Theo khuyến cáo của WHO, lứa tuổi tiêm chủng vắc xin sởi ở những nước có bệnh sởi lưu hành là tiêm mũi 1 từ 9 tháng tuổi, mũi 2 lúc 15-18 tháng tuổi. WHO cũng khuyến cáo việc tiêm bổ sung một mũi vắc xin có chứa thành phần sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trong những trường hợp gồm: Khi đang bùng phát dịch sởi, trong các chiến dịch nơi mà nguy cơ mắc sởi ở trẻ dưới 9 tháng tuổi cao, sau đó trẻ tiếp tục được tiêm 2 mũi theo lịch của Chương trình Tiêm chủng mở rộng (lưu ý mũi 1 cách mũi bổ sung ít nhất 4 tuần); Vắc xin sởi sử dụng cho trẻ dưới 9 tháng tuổi là an toàn và có hiệu quả trong việc phòng mắc bệnh sởi cho nhóm tuổi nhỏ khi có dịch bùng phát [3].
Trước tình hình đó, Bộ Y tế đưa ra công văn khuyến cáo [1]:
- Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh đi tiêm đầy đủ, đúng lịch.
- Chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi cho trẻ từ 6-9 tháng, 1-10 tuổi nhằm mục đích phòng tránh bệnh Sởi và các biến chứng gây hậu quả nghiêm trọng của bệnh.
- Trẻ bị sởi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin phòng sởi trong tiêm chủng thường xuyên, nhất là ở các vùng dân cư tạm trú, di biến động, vùng sâu, vùng xa… cần được tiêm chủng trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin Sởi.
- Các bậc cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi trong chiến dịch tại các điểm tiêm chủng của y tế địa phương.
- Vắc xin phòng bệnh Sởi là vắc xin an toàn, hiệu quả; sau khi tiêm có thể có phản ứng nhẹ như sốt, nổi ban và sẽ tự khỏi sau vài ngày.
- Cần đưa trẻ tới cơ sở y tế nếu có biểu hiện khác thường như sốt cao > 39 độ C, quấy khóc kéo dài, tím tái, khó thở hay bú kém, bỏ bú sau khi tiêm chủng.
5. Những biện pháp khác để phòng tránh bệnh sởi khi có dịch lưu hành [1]
- Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh Sởi; đeo khẩu trang nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể cho trẻ.
- Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng và đủ ánh sáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
- Khi phát hiện có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh Sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.

Từ tháng 10/2024 đến nay, Bệnh viện Nhi Hà Nội tiếp nhận và điều trị nhiều ca mắc sởi. Đặc biệt, số ca mắc tăng cao từ tháng 01/2025 – 03/2025. Các ca mắc sởi ở bệnh viện đều được cách ly và điều trị theo đúng phác đồ. Hiện nay, đã có khoa Đơn nguyên Tiêm chủng tại Bệnh viện Nhi Hà Nội. Hiện đang có 2 loại vắc xin 3 trong 1 phòng Virus sởi, quai bị, rubella tại viện: Vắc xin M-M-R II được sản xuất và đóng gói tại Mỹ & Hà Lan và vắc xin Priorix được sản xuất tại Pháp, Bỉ & Ý. Các bậc cha mẹ có thể đưa trẻ đến bệnh viện để được tư vấn chính xác, kịp thời và đầy đủ.

Tài liệu tham khảo:
- Bộ Y tế (2025, 20/3/2025), “Công văn số 1608/BYT-PB về việc Công điện của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh Sởi”, Retrieved 25/3, 2025, from https://thuvienphapluat.vn/cong-van/The-thao-Y-te/Cong-van-1608-BYT-PB-2025-thuc-hien-Cong-dien-day-nhanh-tiem-chung-vac-xin-phong-chong-Soi-648461.aspx.
- Bộ Y tế (2025, 18/03/2025), “Quyết định số 905/QĐ-BYT ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi năm 2025 đợt 2.”, Retrieved 25/03, 2025, from https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Quyet-dinh-905-QD-BYT-2025-Ke-hoach-trien-khai-chien-dich-tiem-chung-vac-xin-phong-chong-dich-Soi-647751.aspx.
- WHO (2024, 14/11/2024), “Measles”, Retrieved 25/3, 2025, from https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/measles.
Biên soạn:
DS Phạm Khánh Linh – Khoa Dược – Bệnh viện Nhi Hà Nội
Hiệu đính:
ThS.DS. Vũ Bích Hạnh – Trưởng khoa Dược – Bệnh viện Nhi Hà Nội
DS. Vũ Dương Anh Minh – Trường Đại học Dược Hà Nội