Chẩn đoán hình ảnh – Tự hào ngành Y

Nguyễn Thu Hà 05/03/2025

Chẩn đoán hình ảnh – Tự hào ngành Y

Bài viết của Tác giả: Vũ Thị Hồng Ánh – khoa Chấn đoán hình ảnh, Bệnh Viện Nhi Hà Nội. Trong cuộc thi viết nội bộ: “Tự hào Ngành Y” – Tự hào là một chiến sĩ áo trắng giỏi chuyên môn, tận tâm với nghề!

“Từ ngàn đời nay, trong văn hóa của dân tộc Việt Nam, từ “thầy” luôn dùng để gọi một cách kính trọng những người có hiểu biết, có trình độ trong lĩnh vực nào đó, hoặc có thể hướng dẫn dạy bảo cho người khác. Vì lẽ đó, “thầy thuốc” không chỉ là một nghề nghiệp, mà đó còn là một danh xưng cao quý mà nhân dân dành cho những anh hùng áo trắng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang…”.

Trước thời điểm được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, tôi cũng đã từng là người nhà bệnh nhân mắc căn bệnh hiểm nghèo – ung thư. Tôi không thể quên được cảm giác của mình giữa cái ngày nắng nóng như đổ lửa mùa hè năm 2016, lần đầu bước chân vào bệnh viện tuyến trung ương tại thủ đô đông đúc. Đó là cảm giác vừa lo lắng, vừa sợ hãi nhưng cũng tràn đầy hi vọng cũng như phó thác niềm tin vào người bác sĩ điều trị cho ông ngoại của mình. Những khuôn mặt sáng ngời tri thức, sự tận tâm nhưng thời điểm bệnh nhân diễn biến nặng lại vô cùng quyết đoán, tranh thủ từng giây phút chiến đấu với tử thần thôi thúc tôi nhất định phải chọn cái nghề thiêng liêng và cao quý này.

Xuyên suốt 6 năm được đào tạo ở trường Y, bên cạnh việc học tập không ngừng, thì thời gian thực tập tại bệnh viện là lúc mà tôi được trải nghiệm cả về kiến thức lẫn cảm xúc: nào là những người trẻ không may chấn thương ở khoa ngoại, những ông bà đau yếu vì bệnh tim mạch và tiểu đường ở khoa lão, những sinh linh mới đến thế giới này đã phải chiến đấu với những cơn khó thở tím tái ở khoa sơ sinh,… Ước mơ suốt thời sinh viên của tôi là được làm việc trong môi trường có thể bảo vệ những thiên thần non nớt bé bỏng, được tận tay giúp đỡ đối tượng yếu ớt nhất, dễ tổn thương nhất trong xã hội. Tuy nhiên, chỉ khi tới thời điểm được may mắn bước chân vào mái nhà Nhi Hà Nội, được giao cho trách nhiệm đối với những em bé đáng yêu thật sự, tôi mới sâu sắc hiểu được điều này vẻ vang và lớn lao là bởi trách nhiệm đối với sức khỏe và tính mạng của con người là vô cùng nặng mà không có từ ngữ nào có thể diễn tả được. Bên trong ngôi nhà lớn Nhi Hà Nội, tâm hồn và kiến thức của tôi được nuôi dưỡng hàng ngày bởi những bác sĩ và kỹ thuật viên tuyệt vời của mái nhà nhỏ “Chẩn đoán hình ảnh”. Những bước đầu chập chững về chuyên khoa vừa rộng vừa là cánh tay đắc lực trong chẩn đoán và điều trị, tôi được các bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh, những người thầy trẻ đầy nhiệt huyết, cũng chính là những anh chị dìu dắt từng chút một.

Hình ảnh CLVT của bệnh nhi 6 ngày tuổi

Chứng kiến các bác sĩ trằn trọc, tìm đọc tài liệu nước ngoài và hội chẩn cùng nhau cho tới nửa đêm rạng sáng phân tích cho ra hình ảnh cắt lớp vi tính để nghĩ tới chẩn đoán hội chứng Alagille trên một trẻ sốt cao liên tục, co giật và phải dùng tới máy thở để hỗ trợ hô hấp cho tôi một động lực học tập và phấn đấu không ngừng vì bệnh nhân. Cũng vẫn là những người thầy thuốc ấy, đã cùng tôi theo sát trường hợp sơ sinh 6 ngày tuổi có khối áp xe lớn ở vùng mông điều trị đáp ứng kém kèm tình trạng mất máu cấp. Trong tâm trí tôi vẫn chưa thể xóa nhòa hình ảnh một người mẹ ôm đứa con nhỏ bé trong lòng thủ thỉ bên tai em bé những lời ru như đang xoa dịu nỗi đau mà đứa trẻ phải chịu, nhưng trên khuôn mặt tiều tụy ấy hai hàng nước mắt vẫn chảy dài cùng với đứa trẻ đang khóc thật yếu ớt. Dù khoảnh khắc ấy thật đau lòng và xúc động nhưng trái tim nóng vẫn song hành cùng cái đầu lạnh, đưa ra đề xuất về hình ảnh đúng đắn, kịp thời với bác sĩ lâm sàng để cùng phát hiện ra sớm nguyên nhân: “Ổ giả phình chảy máu/ áp xe cơ vùng mông và thắt lưng chậu – Gãy xương cánh chậu”. Vậy là trong cuộc chiến với tử thần lần ấy, chúng tôi là phe chiến thắng.

Dẫu tự hào và vẻ vang đến thế, có người thầy và những đồng nghiệp trân quý bên cạnh nhưng vẫn có lúc tôi cảm thấy mệt mỏi. Mệt vì lượng kiến thức lớn, mệt vì trách nhiệm nặng nề, mệt vì những ngày trực đêm đông bệnh nhân đến và có lúc mệt vì buồn do bản thân chưa làm được nhiều như những người đi trước. Thế nhưng, chiếc tàu lớn này lại có những đầu tàu tâm lý dẫn dắt, kéo tôi tiếp tục vững bước trên con đường mình đã chọn, không ai khác chính là hai lãnh đạo của chúng tôi và cũng là những thầy thuốc tôi vô cùng kính trọng: TS. BS Ngô Quang Hùng và TS. BS Đỗ Thị Thúy Nga. Những người đi đầu ấy quan tâm tới tương lai, tới mong muốn và tình hình thực tế dù là nhỏ nhất của từng khoa phòng. Đó chính là niềm an ủi và sự ủng hộ to lớn khiến tôi muốn cống hiến và thấy may mắn khi mình là một mảnh ghép nhỏ ở nơi này.

Tác giả: Vũ Thị Hồng Ánh – khoa Chấn đoán hình ảnh, Bệnh Viện Nhi Hà Nội.