Dính thắng lưỡi ở trẻ – đừng để lỡ thời điểm VÀNG

Ngô Mai Lan 04/12/2024

DÍNH THẮNG LƯỠI Ở TRẺ – ĐỪNG ĐỂ LỠ THỜI ĐIỂM VÀNG

Theo ThS.BS Hoàng Văn Bảo – khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết: “Dính thắng lưỡi (hay ngắn hãm lưỡi, ngắn phanh lưỡi) là một dị tật bẩm sinh nhẹ ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân là do thắng lưỡi (lớp màng mỏng niêm mạc dưới lưỡi) ngắn, quá dày hoặc dính quá chặt, làm hạn chế cử động bình thường của lưỡi”. Dính thắng lưỡi là tình trạng cần được quan tâm ngay từ giai đoạn sơ sinh. Lựa chọn thời điểm vàng để cắt không chỉ giúp trẻ tránh gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về ăn uống, phát âm và răng miệng sau này.

Triệu chứng của dính lưỡi

Trẻ sơ sinh bị dính thắng lưỡi thường khó bú, khi bú phát ra tiếng kêu, trẻ bú kém chậm tăng cân. Trẻ ở giai đoạn trên sáu tháng sẽ khó nuốt, chậm nói, khó phát âm, nói ngọng: chủ yếu trẻ phát âm sai các phụ âm: r, kh, tr, l… Lưỡi không có khả năng cong chạm vòm miệng khi há miệng, thè lưỡi ra ngoài đầu lưỡi bị chẻ hình chữ V.

Phân độ dính thắng lưỡi

Dính thắng lưỡi được chia thành 4 độ từ nhẹ đến nặng như sau: Độ 1 dính lưỡi nhẹ khi phần lưỡi di động từ 12 – 16mm. Độ 2 dính trung bình khi phần lưỡi di động từ 8 – 11mm. Độ 3 dính nặng khi phần lưỡi di động từ 3 – 7mm. Độ 4:dính hoàn toàn khi phần lưỡi di động nhỏ hơn 3 mm

THỜI ĐIỂM VÀNG ĐỂ CẮT DÍNH THẮNG LƯỠI

Dính thắng lưỡi độ 1, 2 với dây thắng lưỡi mỏng thì phần đầu lưỡi sẽ dần dần tự tách ra trong năm đầu đời, do đó có thể theo dõi và ít khi phải can thiệp.
Với dính thắng lưỡi độ 3, 4 (độ nặng) cần can thiệp cắt thắng lưỡi càng sớm càng tốt (trước khi trẻ tập nói, tập phát âm). Thời điểm tối ưu để cắt dính thắng lưỡi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và độ tuổi của trẻ. Tuy nhiên, các chuyên gia thường khuyến nghị thực hiện sớm, đặc biệt là trong hai giai đoạn chính:
– Giai đoạn sơ sinh (0-6 tháng)
• Lý do nên can thiệp sớm: Ở giai đoạn này, mô thắng lưỡi còn mềm mại, ít mạch máu, và trẻ ít cảm nhận đau hơn. Phẫu thuật đơn giản, ít biến chứng
• Lợi ích: Giúp cải thiện khả năng bú mẹ ngay lập tức, từ đó đảm bảo dinh dưỡng và sự gắn kết giữa mẹ và bé.
– Giai đoạn trước khi trẻ bắt đầu học nói (6 tháng – 3 tuổi)
• Lý do: Đây là giai đoạn trẻ phát triển mạnh mẽ về kỹ năng ngôn ngữ. Việc xử lý dính thắng lưỡi trước khi trẻ học nói giúp phòng ngừa các rối loạn phát âm, tiết kiệm thời gian và chi phí can thiệp về sau.
• Lưu ý: Nếu không can thiệp sớm, trẻ có thể cần thêm các liệu pháp hỗ trợ như chỉnh âm ngữ hoặc điều trị nha khoa khi lớn hơn.
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, khi nghi ngờ trẻ bị dính thắng, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa nhi, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, tư vấn và xác định thời điểm thích hợp để thực hiện cắt thắng lưỡi dựa trên tình trạng cụ thể của trẻ. Đồng thời, bác sĩ sẽ hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc trẻ sau thủ thuật để ngăn ngừa các biến chứng không mong muốn.
Phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm và chọn lựa phương án điều trị phù hợp cho con. Việc nhận biết dấu hiệu và kịp thời đưa ra quyết định chính xác sẽ giúp cải thiện sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, đồng thời giảm thiểu các rủi ro và chi phí điều trị sau này.
BỆNH VIỆN NHI HÀ NỘI
Địa chỉ: Đường Nguyễn Trác, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội
SĐT CSKH: 0826.722.822
Email: bvnhn@hanoi.gov