Thừa Ngón Tay Bẩm Sinh: Nguyên Nhân, Biểu Hiện và Phương Pháp Điều Trị Toàn Diện

Nguyễn Thu Hà 24/01/2025

Thừa Ngón Tay Bẩm Sinh: Nguyên Nhân, Biểu Hiện và Phương Pháp Điều Trị Toàn Diện

Thừa ngón tay bẩm sinh (Polydactyly) là một trong những dị tật phổ biến ở trẻ nhỏ (tỷ lệ 1/1000), đây không chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà còn có thể ảnh hưởng đến chức năng và sự phát triển tâm lý của trẻ khi lớn lên.

1. Thừa ngón tay là gì?

Thừa ngón tay là khi trẻ sinh ra có thêm một hoặc nhiều ngón tay so với bình thường. Tình trạng này có thể gặp tại ngón cái, các ngón giữa hoặc ngón út. Thừa ngón gây ra rối loạn vận động tinh tế, cản trở chức năng cầm nắm, hình thành các động tác xấu của bàn tay, hạn chế vận động khớp, ảnh hưởng hệ thống gân, dây chằng và làm giảm sự tự tin của trẻ khi tham gia các hoạt động tập thể.

2. Nguyên nhân và phân loại Thừa ngón tay bẩm sinh

  • Nguyên nhân

Nguyên nhân gây thừa ngón có thể do đột biến gen, di truyền đặc biệt trong trường hợp bố/ mẹ mắc. Các yếu tố môi trường, nội tiết có thể ảnh hưởng đến phát triển bàn tay trong quá trình mang thai.

Thừa Ngón Tay Bẩm Sinh

  • Phân loại

Thừa ngón tay là thể hay gặp và ảnh hưởng nhiều đến chức năng bàn tay. Năm 1969 Wassel đưa ra bảng phân loại thừa ngón tay cái làm 7 loại theo mức độ chia đôi của xương ngón tay cái:

Loại I: xương đốt xa tách đôi một phần

Loại II: đốt xa tách đôi hoàn toàn, có hai đốt xa riêng biệt tiếp khớp với một đốt gần

Loại III: đốt xa tách đôi hoàn toàn, đốt gần tách đôi tiếp khớp vói hai đốt xa.

Loại IV: đốt gần tách đôi hoàn toàn, hai ngón cái có đốt gần, xa riêng cùng khớp với đốt bàn.

Loại V: đốt gần thừa hoàn toàn, đốt bàn tách đôi kiểu chữ Y, mỗi nhánh của chữ Y tiếp khớp vói một đốt ngón cái riêng.

Loại VI: đốt bàn thừa hoàn toàn, mỗi ngón có đốt bàn, đốt gần và xa riêng.

Loại VII: hai ngón cái với ngón cái 3 đốt

Phân loại thừa ngón tay cái dựa trên Wassel (1969)

Phân loại này dựa trên vị trí tách ra của ngón phụ giúp bác sĩ xác định mức độ phức tạp của dị tật, tiên lượng các cấu trúc giải phẫu tổn thương, lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp và tiên lượng kết quả chức năng sau phẫu thuật

3. Chẩn đoán dị tật thừa ngón

  • Giai đoạn mang thai

Thừa ngón tay có thể phát hiện trong thời kì mang thai, lúc này bác sĩ có thể thông qua siêu âm từ tuần 22 của thai kì để đánh giá tình trạng bất thường ngón tay của trẻ.

  • Giai đoạn sau sinh

Sau khi sinh, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá sơ bộ dị tật thừa ngón tay thông qua quan sát trực tiếp bàn tay của trẻ. Nếu phát hiện bất thường hoặc nghi ngờ về cấu trúc giải phẫu, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như X-quang, CT hoặc MRI có thể được chỉ định. Những kỹ thuật này giúp đánh giá chi tiết cấu trúc xương của ngón thừa, xác định số lượng, vị trí và phân loại bệnh lý theo hệ thống Wassel. Đồng thời, bác sĩ cũng kiểm tra các dị tật phối hợp khác để xây dựng kế hoạch điều trị toàn diện.

Dựa trên kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ đánh giá ngón chức năng chính và trục của cả ngón chức năng lẫn ngón phụ. Những yếu tố quan trọng như sự vận động của gân, khớp, cũng như sự phối hợp giữa các ngón sẽ được phân tích chi tiết. Ngoài ra, các cấu trúc giải phẫu bất thường hoặc bám sai sẽ được xác định để lập kế hoạch tái tạo chính xác, đảm bảo phục hồi tối ưu chức năng vận động và thẩm mỹ cho trẻ

Thừa Ngón Tay Bẩm Sinh

(Hình ảnh bệnh nhân P.M.C 10 tháng tuổi, thừa ngón cái Wassel VI: nhánh trong ngón cái có chức năng gấp, duỗi, khép ngón được, trong khi động tác giạng và đối chiếu kém. Nhánh ngoài không hình thành động tác. Trẻ đã hình thành các động tác cầm nắm xấu: cầm chủ yếu bằng động tác kẹp ngón cái và ngón trỏ, chưa hình thành động tác cầm bằng đầu ngón)

4. Điều trị

Phẫu thuật là phương pháp tối ưu nhất để điều trị thừa ngón. Mục tiêu của phẫu thuật là tạo 1 ngón tay hoàn chỉnh từ 2 ngón thừa chứ không đơn giản là cắt bỏ 1 ngón, chỉnh trục khớp, tái cấu trúc diện khớp, bao khớp, dây chằng, phục hồi điểm bám gân sai, bảo tồn tối đa mạch máu, thần kinh, sẹo mổ thẩm mỹ, tránh co kéo.

  • Thời điểm phẫu thuật

Trẻ từ 9-12 tháng tuổi khi bàn tay đã phát triển đủ để tái tạo các cấu trúc cần thiết, cũng như đây là giai đoạn bàn tay bắt đầu thực hiện các động tác tinh tế, tránh hình thành các động tác xấu, ngón thừa chưa ảnh hưởng đến tâm lý trẻ.

  • Các bước phẫu thuật

Tùy thuộc vào phân loại và mức độ thừa ngón tay, can thiệp phẫu thuật sẽ được thực hiện với mục tiêu tối ưu hóa chức năng và thẩm mỹ, đồng thời giảm thiểu nguy cơ co kéo hoặc biến dạng về sau.

Phẫu thuật thường bao gồm việc cắt bỏ ngón thừa, đảm bảo giữ lại các cấu trúc dây chằng và gân liên quan để tái cấu trúc và gắn kết vào ngón chính. Các bước tiếp theo gồm chỉnh lại trục khớp, xử lý biến dạng diện khớp, bao khớp và, khi cần thiết, sử dụng đinh để cố định ngón nhằm đảm bảo ngón thẳng trục và vận động khớp được trơn tru.

Ngoài ra, các điểm bám cơ và dây chằng sai vị trí sẽ được phục hồi để đảm bảo tư thế ngón tay đúng và cải thiện chức năng cầm nắm. Quá trình phẫu thuật kết thúc bằng việc khâu đóng vết mổ theo hướng thẩm mỹ, giảm thiểu sẹo và mang lại kết quả tối ưu.

Đặt nẹp bột tùy trường hợp

Bệnh nhân P.M.C đã được cắt bỏ ngón thừa, tái tạo dây chằng, điểm bám gân giạng ngón cái, khâu thẩm mỹ đường mổ.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được thay băng cách ngày và thường cắt chỉ sau khoảng 7-10 ngày, tùy vào mức độ hồi phục và tình trạng vết mổ. Thời gian nằm viện thường ngắn, chỉ kéo dài từ 1-3 ngày, phụ thuộc vào mức độ phức tạp của ca bệnh và thể trạng của bệnh nhân. Tuy nhiên, để đảm bảo kết quả điều trị tối ưu, việc tập phục hồi chức năng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Quá trình này giúp phục hồi các động tác của ngón tay, duy trì vận động linh hoạt và tránh gây tổn thương cho các cấu trúc giải phẫu đã được chỉnh sửa hoặc tái cấu trúc trong phẫu thuật.

Thừa Ngón Tay Bẩm Sinh

(BN P.M.C được cắt chỉ sau 9 ngày, trẻ đã thực hiện được các động tác tinh tế hơn, cầm được các đồ vật kích thước lớn bằng việc giạng ngón tay và gia đình cũng nhận thấy chức năng bàn tay trẻ được cải thiện đáng kể)

Tại bệnh viện Nhi Hà Nội, các bác sĩ phẫu thuật tạo hình có kinh nghiệm điều trị các dị tật bẩm sinh bàn tay với các trang thiết bị hiện đại như kính loup phóng đại, dụng cụ vi phẫu, bộ dụng cụ phẫu thuật bàn tay, được hỗ trợ hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ bác sĩ gây mê hồi sức giàu kinh nghiệm đảm bảo 1 cuộc mổ nhẹ nhàng, an toàn cho bệnh nhân.

Tại đây gia đình được tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh lý của trẻ, phác đồ điều trị cá thể hóa, các bước cần thiết được thực hiện trong phẫu thuật, thay băng, cắt chỉ tại bệnh viện và hướng dẫn tập phục hồi chức năng. Đảm bảo điều trị chuyên sâu và toàn diện giúp trẻ khôi phục chức năng, thẩm mỹ bàn tay, đồng hành cùng gia đình và trẻ đến khi hồi phục hoàn toàn.

Dưới đây là một vài hình ảnh minh họa các bệnh nhân đã phẫu thuật thừa ngón tay tại bệnh viện:

( Bệnh nhân nam 4 tuổi, thừa ngón I Wassel II)

( Bệnh nhân nữ 10 tháng, thừa ngón I Wassel IV)

—————————-

Liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn:

Bệnh viện Nhi Hà Nội: 0826722822

Khoa Ngoại Tổng Hợp bệnh viện Nhi Hà Nội- Hotline: 0358956114

Phẫu Thuật Tạo Hình – Hotline: 0374846394